CỤC THÚ Y

Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

Hiện nay, nhiều gia đình và các bạn trẻ có xu hướng nuôi thú cưng như chó, mèo trong nhà. Đây là những loài vật rất gần gũi với con người, đem lại niềm vui cho cả gia đình bạn, trong đó trẻ nhỏ rất thích thú khi được chơi cùng chúng. Nhưng đây lại là nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người đặc biệt là bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo.

I. Sơ lược về giun đũa chó/mèo

Toxocara canis (giun đũa ký sinh trên chó) và toxocara cati (giun đũa ký sinh trên mèo) là loài giun tròn thuộc họ Ascaridae, ký sinh chủ yếu ở ruột non của chó/mèo. Chúng ký sinh và hoàn thành vòng đời sinh trưởng hoàn toàn trên chó/mèo. 

Con người chỉ là một vật chủ tình cờ (ký sinh lạc chủ) khi ăn phải thức ăn có chứa trứng giun mà chưa được nấu chín. Sau khi được nuốt vào cơ thể người, trứng nở thành ấu trùng đi xuyên qua thành ruột và di chuyển khắp hệ tuần hoàn qua các mô (gan, tim, phổi, não, cơ, mắt). Bệnh điều trị đơn giản nếu phát hiện sớm, một số ít ca bệnh chuyển biến nặng thậm chí tử vong do chẩn đoán nhầm, phát hiện muộn, điều trị không hợp lý.

                Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

II. Vòng đời giun đũa chó/mèo

               Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

1. Giun đũa chó trưởng thành trong ruột non chó/mèo

2. Trứng giun chưa hóa phôi được thải ra ngoài môi trường qua phân của chó/mèo nhiễm bệnh.

3. Sau 1-2 tuần trứng phát triển thành hóa phôi và có khả năng lây nhiễm nếu con người hay các con vật khá nuốt phải trứng hóa phôi. Trong môi trường trứng hóa phôi có thể phát triển thành ấu trùng

4. Ấu trùng chui qua da vật chủ không xác định (con người) gây ra những tổn thương ngoài da

5. Chó nhiễm bệnh do ăn hoặc tiếp xúc với vật chủ nhiễm bệnh.

6. Ấu trùng ở trong các mô.

7. Ấu trùng chui qua da chó/mèo và khu trú ở các mô

8. Giun truyền từ chó/mèo mẹ sang chó, mèo con 

III. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

1. Xét nghiệm miễn dịch huyết thanh

Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất để chẩn đoán sàng lọc bệnh nhiễm giun đũa chó/mèo Toxocara spp. Bộ kit ELISA sử dụng kháng nguyên ngoại tiết TES (Toxocara excretory-secretory antigen) để tìm kháng thể loại IgG của ấu trùng trong cơ thể người. 

Độ nhạy: 96.92%, độ đặc hiệu: 98.63%. Kết quả có thể dương tính chéo với các trường hợp nhiễm giun, sán khác (giun đũa, giun móc, giun lươn, giun chỉ hệ bạch huyết, sán lá gan lớn, sán dây). 

Cách đọc kết quả: 

0 - < 9.0 (U): Âm tính

9.0 - 11.0 (U): Chưa xác định. Đề nghị làm lại sau 2 - 3 tuần.

> 11.0 (U): Dương tính.

Âm tính được hiểu là người bệnh chưa từng nhiễm ấu trùng giun đũa chó/mèo. Không loại trừ nhiễm ở giai đoạn sớm.

Dương tính: Người bệnh đang nhiễm hoặc đã từng nhiễm ấu trùng giun đũa chó/mèo. Cần kết hợp lâm sàng và các xét nghiệm khác.

+ Xét nghiệm tổng phân tích máu: Bạch cầu ái toan tăng > 10% tổng số lượng bạch cầu.

+ Xét nghiệm sinh hóa máu: Xét nghiệm kháng thể IgE toàn phần tăng. 

2. Xét nghiệm sinh học phân tử PCR trong mô hay dịch cơ thể 

Các xét nghiệm sinh học phân tử xác định chỉ điểm di truyền trong internal transcribed spacers (ITS-1 và ITS-2) của hệ gen nhân RNA hoặc hệ gen ty thể có thể hỗ trợ chẩn đoán xác định đặc hiệu giun đũa chó/mèo.

Xét nghiệm không phổ biến chủ yếu dùng trong nghiên cứu.

3. Xét nghiệm sinh thiết mô để tìm ấu trùng trong mô, cơ quan

Là phương pháp xâm lấn nên ít khi được sử dụng trong thực hành lâm sàng.

4. Các xét nghiệm khác

Chụp X-quang, CT-scan, MRI, chụp mạch có chất màu fluorescein để phát hiện các ổ ấu trùng ký sinh trong các bộ phận trên cơ thể.

Siêu âm mắt, chụp CT-scan mắt để phát hiện ổ ấu trùng trong mắt.

IV. Chỉ định xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó/mèo trong trường hợp nào?

Những trường hợp sau đây cần thực hiện xét nghiệm để xác định xem có nhiễm bệnh hay không:

- Những người tiếp xúc với chó/mèo hoặc sinh sống ở nơi có chó/mèo thả tự do.

- Dị ứng, sốt không rõ nguyên nhân.

- Cơ thể gầy gò, sụt cân chưa rõ nguyên nhân.

- Những người hay ăn các sản phẩm thịt từ chó/mèo hay động vật chưa nấu chín kỹ (tái, gỏi), ăn rau sống chưa được rửa sạch.

V. Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó/mèo

Bệnh nhân nhiễm loại ký sinh trùng khác có thể gây nhiễm chéo hoặc dương tính giả cho xét nghiệm.

Sinh thiết mô/cơ quan không đúng vị trí có ấu trùng.

VI. Biện pháp phòng chống bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo

Cần thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh mang cả tính chất cá nhân lẫn tính chất cộng đồng, phòng ngừa nguy cơ gây bệnh phát tán và lây lan:

- Tuyên truyền, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo để có thể kiểm soát tốt sự lây lan. Bảo vệ môi trường hạn chế bị nhiễm phân chó, mèo.

- Vệ sinh môi trường xung quanh nhà, khu vực vui chơi của trẻ nhỏ, khu vực có nguy cơ có phân chó, mèo.

- Vệ sinh cá nhân, đảm bảo sạch sẽ: Rửa tay trước khi ăn, trước khi nấu ăn, không ăn rau sống, không ăn thịt chó mèo chưa nấu chín. Rửa tay sau khi đi vệ sinh.

- Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo nuôi trong nhà.

Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II  chúng tôi luôn tự tin và tự hào với đội ngũ nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt là các xét nghiệm liên quan đến xét nghiệm bệnh virus, vi khuẩn trên thực phẩm, thủy sản, thú y…Nếu có bất kì thắc mắc về dịch vụ hoặc báo giá, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được hỗ trợ nhanh chóng:

Email: vstytw2@gmail.com

Hotline: Ms. Hằng – 0909054567

Nguồn: https://medlatec.vn/