CỤC THÚ Y

Tồn dư kháng sinh vật nuôi và nguy cơ kháng kháng sinh

Buôn bán loại kháng sinh thuộc Danh mục cấm ở 5 tỉnh thành, nguy cơ kháng kháng sinh và mất ATTP nguy cấp

Tham gia diễn đàn khoa học "Về vấn đề VSATTP từ việc lạm dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp" do Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam tổ chức hôm 8/6, GS.TS. Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam đề cập tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gây ra tồn dư và nguy cơ kháng kháng sinh ở vật nuôi có ảnh hưởng tới ATTP và sức khỏe người tiêu dùng.

"Trên thế giới không có một nước nào bán kháng sinh tự do như ở Việt Nam, cả trong y tế", GS.TS. Đậu Ngọc Hào phát biểu.

Thực tế, kháng sinh ở Việt Nam cũng như trên thế giới thông thường được sử dụng cho động vật dưới 3 hình thức: Dùng ở liều cao trong thời gian ngắn để điều trị bệnh cho động vật; dùng liều cao trong thời gian ngắn để phòng và ngăn chặn các bệnh (Ví dụ, bệnh đường tiêu hóa và hô hấp); đưa vào trong thức ăn với liều thấp trong thời gian dài để thúc đẩy sự phát triển của gia súc và gia cầm (tăng trọng).

Song năm 2006, Liên minh Châu Âu (EU) đã cấm sử dụng kháng sinh để tăng trưởng chăn nuôi. Năm 2011, EU đã bỏ phiếu cấm việc sử dụng phòng bệnh bằng kháng sinh.

Tại Việt Nam, lượng kháng sinh trong chăn nuôi được sử dụng khá nhiều với nhiều mục đích trên 4.000- 5.000 chế phẩm kháng sinh.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện có khoảng 24 loại kháng sinh, hóa chất được đưa vào quá trình chăn nuôi với mục đích tăng trọng và phòng bệnh.

Điều tra của Cục Thú y, có 32/51 cơ sở kinh doanh thuốc thú y (63%) tại cả 5 tỉnh thừa nhận có bán các loại hóa chất, kháng sinh thuộc Danh mục cấm sử dụng và hạn chế sử dụng. Điều này quá nguy hiểm.

Các loại hóa chất, kháng sinh bị cấm như Eprofloxacin, Ofloxacin, các nhóm Furazolidon, Ciprofloxacin.. vốn đã bị cấm từ lâu vẫn được bày bán công khai trong các cửa hàng bán thuốc thú y. Đặc biệt, hóa chất Eprofloxacin được nhiều cửa hàng bán (20/51 cửa hàng) hay Ofloxacin (8/51 cửa hàng).

Trong khi đó, điều tra về nhận thức tác hại của lạm dụng kháng sinh đối với vật nuôi sẽ không chữa khỏi bệnh mà còn làm kéo dài thời gian sử dụng thuốc và gây tốn kém thì chỉ gần 50% số chủ chăn nuôi biết.

Trong đó, 35% số cơ sở chăn nuôi dùng thuốc thú y theo kinh nghiệm hay nghe hướng dẫn của các cơ sở chăn nuôi khác trên địa bàn.

Thức ăn chăn nuôi cũng chứa hàm lượng kháng sinh cao

Kết quả điều tra tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi có bổ sung kháng sinh 923/1.356 (68,07%) số cơ sở được khảo sát có sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh.

Hàm lượng kháng sinh đưa vào thức ăn từ 20-600mg. Cụ thể: Lincomycin 20 mg/kg, Tilmicosin 200 mg/kg, Tylosin 40 mg/kg, Kitasamycin 300 mg/kg, Flofenicol 100 mg/kg, Colistin 150 mg/kg đặc biệt, Halquinol 600 mg/kg... Hàm lượng Ampicillin là 300mg/kg cũng khá cao.

Theo Chủ tịch Hội Thú y VN, với hàm lượng các chất được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi như vậy, rất là nguy hiểm bởi người chăn nuôi thì không nắm được các chỉ tiêu hàm lượng này.

Để kích thích tăng trọng chỉ giới hạn 20-50ppb để cho vào thức ăn, nhưng nếu theo kết quả trên, hàm lượng lên tới 400-500 ppb hay 600mg như vậy thì chắc chắn được dùng cho việc phòng bệnh cho vật nuôi.

Tồn dư kháng sinh vật nuôi và nguy cơ kháng kháng sinh

Tồn dư kháng sinh Sulfadimidin - nguy cơ kháng thuốc khi điều trị cho người

Kết quả kiểm tra hàm lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và kiểm tra tồn dư kháng sinh trong thịt lợn khi phân tích 143 mẫu thức ăn chăn nuôi, 143 mẫu thịt và 30 mẫu gan lợn tại 5 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để xét nghiệm các chỉ tiêu Sulfadimidin, Tylosin, Lincomycin.
 
Sulfadimidin là loại kháng sinh dùng chung cho cả người và động vật. Việc thịt lợn có tồn dư kháng sinh Sulfadimidin gây nguy cơ kháng thuốc rất cao khi dùng kháng sinh này điều trị cho người.

Theo kết quả, có 13/143 (9,10%) mẫu phân tích vi phạm quy định bổ sung Sulfadimidin (loại kháng sinh không có trong QCVN 01 - 12:2009/BNNPTNT). Không có mẫu thức ăn nào chứa Tylosin và Lincomycin vượt quy định theo QCVN 01 - 12:2009/BNNPTNT.

Hàm lượng kháng sinh Sulfadimidin trong thức ăn cao nhất phát hiện trong mẫu thức ăn chăn nuôi (53.915,50 ppb), trong khi tiêu chuẩn Bộ Nông nghiệp không cho phép bổ sung kháng sinh Sulfadimidin. Các mẫu phát hiện có hàm lượng từ 58,53-53.915,50 ppb. Đây là thực trạng đáng báo động, vì sao thời gian vừa qua số mẫu thịt lợn phát hiện có tồn dư Sulfadimidin rất cao ở một số địa phương.

Nguồn: baodatviet.vn

Các bài viết khác