CỤC THÚ Y

Tầm quan trọng của vệ sinh thú y trong chăn nuôi

Trong những năm trở lại đây, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã nâng cao được chất lượng và số lượng đàn heo của cả nước. Ngoài việc mang lại lợi ích về kinh tế, thỏa mãn nhu cầu đời sống con người, vấn đề vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi và ảnh hưởng của chúng tới môi trường sống đang là vấn đề được sự quan tâm của các nghành, các cấp và toàn xã hội.

Điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi bao gồm các điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi; thức ăn; quản lý con giống; quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh tiêu độc, khử trùng; kiểm soát côn trùng và động vật gây hại; kiểm soát dịch bệnh; vệ sinh công nhân; quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, không gây hại cho sức khoẻ con người và không gây ô nhiễm môi trường.

Tầm quan trọng của vệ sinh thú y trong chăn nuôi

Quản lý vệ sinh môi trường là một yếu tố quan trọng trong hệ thống chăn nuôi tập trung hiện nay. Vật nuôi phản ứng rất nhanh với các tác động của môi trường. Tuy nhiên, những phản ứng để thích nghi này thường dẫn đến sự giảm tăng trưởng, giảm sức sản xuất và gây bệnh cho vật nuôi. Do đó, việc kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh nhằm làm giảm thiểu các tác động xấu của môi trường là chìa khóa cho sự thành công.

Ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, vấn đề vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sự ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước do các chất thải chăn nuôi đã làm ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái, sức khỏe vật nuôi và con người. Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để việc phát triển chăn nuôi phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Môi tr­ường bị ô nhiễm sẽ quay trở lại tác động trực tiếp vào ngành chăn nuôi làm gia tăng dịch bệnh, gây thiệt hại về kinh tế và giảm khả năng cạnh tranh. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm túc và triệt để công tác vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, là biện pháp tất yếu giúp ngành chăn nuôi chủ động khống chế dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo vệ môi trư­ờng, nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển chăn nuôi bền vững.

Nguồn: http://chicucthuydnai.gov.vn